Mời bạn đồng hành cùng chúng tôi thông qua những bức hình, những thước phim sống động và nhiều cảm xúc mà chúng tôi ghi lại được trong hành trình thực hiện tác phẩm này.
_______________________
Mời bạn đồng hành cùng chúng tôi thông qua những bức hình, những thước phim sống động và nhiều cảm xúc mà chúng tôi ghi lại được trong hành trình thực hiện tác phẩm này.
_______________________
4 tháng sau khi theo chân gánh hát, chị Hai phương Anh mới cho phép chúng tôi ghi lại những thước hình đầu tiên. Ngày chia tay, cô Ba mới tâm sự với chúng tôi, rằng Cô đã từng nghĩ sẽ từ chối chúng tôi quay phim về gánh hát. Cô không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời của những nghệ sỹ nghèo.
Có lẽ bởi vì chúng tôi không hỏi gì nên chúng tôi đã may mắn được bước vào cuộc đời họ một cách tự nhiên. Chị Hai bảo chị Hai quý chúng tôi vì tự nhiên thấy tòi đâu ra mấy đứa cứ lẽo đẽo đi theo gánh hát hết ngày này đến ngày nọ, riết rồi cũng quen, chị biết chúng tôi thật lòng.
“Cái quý giá của việc làm phim tài liệu thực tế như thế này là có thể bước vào đời sống của nhân vật một cách tự nhiên, biến bản thân mình từ một người xa lạ trở thành một phần trong thế giới vốn kín đáo và bí mật vô cùng của họ. Đó là cả một thách thức lớn mà cho đến lúc này chúng tôi cũng không thật sự biết chính xác rằng mình đã vượt qua bằng cách nào…”
– Thanh Nguyễn – Đồng tác giả của dự án –
Nhớ ngày đầu, chúng tôi và những con người này nhìn nhau với ánh mắt hoài nghi, lạ lẫm. Sau lớp son phấn dầy và phủ kín gương mặt, chúng tôi không chắc về biểu cảm thật sự của họ, vừa tò mò, vừa sợ sệt, nhưng lại muốn thấy nhiều hơn…
Rồi chúng tôi bước vào hành trình của mình, hành trình đi tìm những giấc mơ vinh hoa. Trong hành trình ấy, có một điều mà chúng tôi đã không đoán định được, là cái giá của việc thấy những gì đằng sau lớp mặt nạ được tô vẽ tỷ mỉ kia là đồng nghĩa sẽ sống cùng những xúc cảm của họ, sống trong câu chuyện của họ cho dù là sầu khổ, bi ai, dù là vinh hoa… hay đoạn trường…
Lần nào gặp lại chúng tôi cũng được thưởng thức rất nhiều đặc sản của gánh hát. Nhưng thứ đặc sản mà chúng tôi nhớ nhất có lẽ là những đêm nằm võng trông trăng ở sân đình với các cô chú và anh chị như thế này để sáng dậy thấy sương và nắng hoà vào nhau phủ lên gương mặt và tay chân thì đầy nốt đỏ.
Cô Ba thương hai đứa còn chuẩn bị sẵn mền với mùng mang theo hành lý biểu diễn vì biết chúng tôi thế nào cũng ghé. Mỗi lần trở về với chăn ấm đệm êm, chúng tôi đôi lúc vẫn chợt thức giấc chỉ để nhìn lại những khoảnh khắc này, mọi thứ đều lộn xộn và có vẻ như bất hợp lý nhưng lại đẹp đến khó tả!
Tháng 10, 2019
NHÀ CÔ BA, CẦN THƠ
Những lúc không có lễ hội, gánh hát không diễn, Cô Ba lại đem hết các loại phục trang, mũ mão ra để chỉnh sửa, đôi khi chỉ là đính thêm vài ba hột cườm, đôi miếng kim tuyến, nhưng cô nói với chúng tôi, nghệ sỹ chẳng có gì nhiều, mấy cái đồ này dù có rách nát nhàu nhĩ do quăng quật, đi gối, đá chân trên sân khấu thì cũng là tài sản của nghệ sỹ. Không có đồ không diễn được. Một bộ đồ cả vài triệu đồng, có những bộ lên đến cả chục triệu, bỏ ăn bỏ chơi dành dụm tiền đi diễn mới mua được. Bởi, giữ đồ là giữ nghề…
Tháng 5, 2019
ĐÌNH THẦN PHƯỚC THỚI, HUYỆN Ô MÔN, TỈNH CẦN THƠ
Buổi chiều hôm ấy, chúng tôi thấy có hai đứa nhỏ cứ đi ra đi vào, loanh quanh ở cạnh cái sân khấu đã được dựng lên huy hoàng, đẹp đẽ. Đến tối, hai đứa nó cũng đến sớm nhất, đứa thì chọn một chỗ trên cùng, đứa thì leo hẳn lên thành sân khấu để ngồi. Buồn cười nhất là em bé gái, lúc chị Hai bước ra, nó cầm quạt phẩy phẩy, diễn theo từng nhịp, cái mặt thì giả bộ phong thái thần nữ, mà giống, học cũng nhanh đáo để. Thoáng thấy máy quay, nó xấu hổ quay đi… Một suy nghĩ thoáng qua trong đầu, có khi nào những thế hệ tiếp theo của gánh hát truyền thống cũng được lưu giữ theo cách tự nhiên như thế này?…
Hai bà cháu, hai vị khách cuối cùng của buổi chầu ngày hôm ấy không chịu rời đi khi bức màn sân khấu hạ xuống. Có lẽ tối mai sẽ lại thấy họ ở những hàng ghế đầu… ghế nhựa thôi, mà quý hơn ghế rạp chứ chẳng chơi…
24/5/2019
ĐÌNH THẦN PHƯỚC THỚI, HUYỆN Ô MÔN, TỈNH CẦN THƠ
Sau gần 4 tháng theo chân gánh hát, lần đầu tiên chị Hai cho chúng tôi quay những frame hình đầu tiên. Bản thân là người cầm máy, chúng tôi vẫn còn rất ngại ngùng. Nhưng dù là như thế, với chúng tôi đây đã là một bước tiến lớn trong việc tạo lòng tin với nhân vật của mình…
26/4/2019
MIẾU BÀ THIÊN HẬU HẢI NGƯ
Những tấm phông màn thả mình trong những cơn gió biển của Miếu Bà Thiên Hậu ngày hôm ấy bất giác đã cho chúng tôi một vài ý niệm về cuộc sống của những con người này. Sở dĩ gọi là những con người này vì chúng tôi không biết rằng sau đó mình có thể thân thiết với họ đến mức có thể gọi họ bằng những cái tên thân thuộc như Cô Ba, Chú Tư, Chị Hai, Anh Hai và nhận lại từ họ những tình cảm chân thành đến vậy…
Trong hình là Chú Tư và Chú Việt. Chú Tư lúc là hề, lúc lại là thừa tướng trên sân khấu, còn Chú Việt là con hổ hung dữ của cả đoàn. Nhưng Chú Việt ờ ngoài hiền khô, rất lành. Trên sân khấu thì là thế, nhưng trước mỗi dịp lễ, Chú Việt và Chú Tư lại là những người thu xếp cho cả đoàn một sân khấu đẹp đẽ để biểu diễn, có lộng lẫy hay không, có huy hoàng hay không cũng nhờ cả vào tay của hai con người này…